Đó là nhận định của ThS. Trần Đức Hiệp (Giám đốc Công ty TNHH Thương hiệu và Luật, Văn phòng Luật sư Đại Quốc Việt, hiện đang là Cố vấn pháp lý cho một số bệnh viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh) với Báo Kinh tế & Đô thị, xoay quanh câu chuyện thuốc, vật tư y tế gỡ hoài vẫn thiếu hiện nay.
Thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh không phải là vấn đề mới. Vậy, theo ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này?
– Trên thực tế có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu thuốc và vật tư y tế. Trong đó, nguyên nhân khách quan là do những biến động về nguồn cung, hàng hóa khan hiếm, giá cả biến động tăng trên quy mô toàn cầu khiến việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, hóa chất, các sinh phẩm càng trở nên khó khăn hơn.
Ngoài ra sau đại dịch Covid-19, số lượng người dân đi khám, chữa bệnh tăng vọt, vượt quá khả năng cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế của các cơ sở y tế.
Về nguyên nhân chủ quan, đó là việc hạn chế nguồn cung do việc cấp phép, gia hạn giấy phép lưu hành chậm; có tâm lý e ngại, sợ sai trong tổ chức thực hiện mua sắm, thiếu nhân lực có chuyên môn tổ chức đấu thầu; tiến độ thực hiện mua sắm thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung thuốc quốc gia, đàm phán giá và đấu thầu tập trung cấp địa phương còn chậm; nhiều gói thầu số lượng ít không thu hút nhà cung cấp…
Có ý kiến cho rằng, Luật Đấu thầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 nhưng đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn, khiến các cơ sở y tế gặp khó khăn trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế. Dưới góc nhìn pháp lý, ông đánh giá sao về nhận định này?
– Luật Đấu thầu 2023 được thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV ngày 23/6/2023, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2024.
Về văn bản quy định chi tiết áp dụng Luật Đấu thầu, Chính phủ ban hành Nghị định 23/2024/NĐ-CP và Nghị định 24/2024/NĐ-CP ngày 27/2/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu 2023 về lựa chọn nhà đầu tư và lựa chọn nhà thầu.
Để hướng dẫn xây dựng hồ sơ đấu thầu, hồ sơ yêu cầu đánh giá, thẩm định, báo cáo cũng như các quy trình đấu thầu chung cho tất cả lĩnh vực, từ tháng 2/2024 đến tháng 4/2024, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã ban hành các thông tư như 01/2024, 03/2024, 05/2024, 06/2024, 07/2024/TT-BKHĐT.
Về lĩnh vực đấu thầu, mua sắm thuốc, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 04/2024/TT-BYT ngày 20/4/2024 quy định nguyên tắc, tiêu chí xây dựng và danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với thuốc; Ban hành Thông tư 05/2024/TT-BYT ngày 14/5/2024, quy định về danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được áp dụng hình thức đàm phán giá và quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu áp dụng hình thức đàm phán giá. Bộ ban hành Thông tư 07/2024/TT-BYT ngày 17/5/2024 quy định về hoạt động đấu thầu thuốc sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, nguồn quỹ bảo hiểm y tế và nguồn thu hợp pháp khác của cơ quan hành chính nhà nước về y tế và đơn vị sự nghiệp y tế công lập bao gồm: Phân chia gói thầu và nhóm thuốc; Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc; Mua sắm tập trung thuốc.
Về lĩnh vực đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế (trong đó có vật tư y tế, hóa chất… theo Điều 2, Nghị định 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế), Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 14/2023/TT-BYT ngày 30/6/2023 quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế, bao gồm: Mua sắm trang thiết bị y tế; Mua sắm linh kiện, phụ kiện, vật tư thay thế sử dụng cho trang thiết bị y tế; Dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn trang thiết bị y tế.
Vì vậy, ý kiến cho rằng, chưa có thông tư hướng dẫn để mua sắm thuốc và vật tư y tế là điều hoàn toàn không chính xác. Về mặt lý thuyết, khi một văn bản luật được cơ quan lập pháp ban hành, cần có thời gian để các cơ quan hành pháp và đơn vị áp dụng các quy định cụ thể này vào thực tiễn. Vấn đề thuốc và vật tư y tế là vấn đề cực kỳ cấp thiết đối với công tác khám chữa bệnh hiện nay, vì vậy mà thời gian qua các cơ quan Chính phủ, Bộ đã rất tích cực để đưa ra các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn.
Bên cạnh đó, các cơ sở y tế được giao đấu thầu tập trung hoặc các cơ sở được giao đấu thầu cần có thời gian để “thẩm thấu” các quy định chung và quy định riêng rẽ của ngành vào công tác của mình. Quá trình đấu thầu thuốc cũng cần có thời gian, thường thì từ khi phát hành hồ sơ mời thầu đến khi có kết quả lựa chọn nhà thầu cần tối thiểu 4 tháng nên tôi tin tưởng hiện tượng khan hiếm thuốc trong thời gian tới sẽ dần được khắc phục.
Ðể các bệnh viện không còn điệp khúc thiếu thuốc và vật tư y tế, theo ông đâu là giải pháp căn cơ để giải quyết?
– Ðể giải quyết hiệu quả việc thiếu hàng hóa y tế, cần phải thẳng thắn nhìn vào thực tại, mới hy vọng từ đó đưa ra giải pháp.
Theo tôi quan sát, từ tháng 3/2024 đến nay đã có khoảng 710 hồ sơ đấu thầu về vật tư y tế và ước lượng hơn 700 hồ hồ sơ đấu thầu thuốc hiện được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cho thấy các quy định đấu thầu mới đang dần đi vào thực tiễn.
Tuy nhiên, cần thừa nhận một thực tiễn hiện nay là các quy định về đấu thầu, đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, đấu thầu thuốc cực kỳ phức tạp. Do vậy, các thành viên xây dựng hồ sơ mời thầu, tổ thẩm định, tổ chuyên gia không chỉ phải giỏi năng lực ngành (Y tế, Dược), có kiến thức chuyên môn về thiết bị mà cần phải hiểu tường tận từng quy định trong Luật Đấu thầu, cũng như các thông tư hướng dẫn từ đó mới có thể tự tin tham gia công tác xây dựng, thẩm định, đánh giá hồ sơ mời thầu.
Bên cạnh đó, lĩnh vực thuốc và vật tư y tế vốn có chứa hàm lượng trí tuệ, công nghệ cao, thậm chí có tính độc quyền trong một số loại dòng máy móc, thương hiệu nên không phải áp dụng triệt để Luật Đấu thầu thì có thể tìm ra đơn vị có thể cung ứng vật tư y tế, phụ liệu phù hợp với máy móc có sẵn của bệnh viện. Mặt khác, cùng một chủng loại trang thiết bị y tế có mục đích sử dụng như nhau, nhưng mỗi chuyên khoa, trình độ sử dụng lại có yêu cầu khác nhau về thông số kỹ thuật, ứng dụng công nghệ… Do đó, các đơn vị mua sắm cũng còn nhiều băn khoăn làm sao để tránh vi phạm quy định hạn chế cạnh tranh khi xây dựng hồ sơ mời thầu.
Do đó, tôi kiến nghị Bộ Y tế, sở ban ngành có liên quan để tổ chức các buổi tập huấn về đấu thầu y tế cho các cá nhân tham gia tổ đấu thầu, thẩm định, chuyên gia. Bên cạnh đó, tôi khuyến khích các cơ sở y tế có điều kiện mời các chuyên gia để được tham vấn về Luật Đấu thầu trong Y tế. Đã đến lúc, công tác pháp chế của bệnh viện cần được triển khai bài bản tại các bệnh viện công lập.
Điều này không chỉ giúp cho các bác sĩ, dược sĩ yên tâm thực hiện công việc của mình, mà còn bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các cơ sở y tế đối với các nhà thầu. Tôi đã tham gia các buổi làm việc với một số nhà thầu, phải nói đó là những cuộc đấu trí căng thẳng để bảo đảm quyền lợi cho bệnh viện khi nhà thầu cũng có đội ngũ pháp lý riêng của họ.
Xin cảm ơn ông!
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đang khẩn trương xây dựng quy trình cấp phép nhập khẩu thuốc nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt, phát sinh trong quá trình khám chữa bệnh cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn.
Tôi cho rằng, đây là một bước quan trọng của cơ quan quản lý y tế nhằm hệ thống hóa, pháp điển hóa rất nhiều quy định có liên quan để thành một quy trình làm việc thống nhất có giá trị hướng dẫn áp dụng cho các cơ sở y tế.
Các cơ sở y tế cũng tích cực tự xây dựng các quy trình tại bệnh viện. Tuy nhiên, nếu Sở Y tế đã hướng dẫn cụ thể nhưng các bệnh viện vẫn còn tình trạng khan hiếm thuốc chữa bệnh vì không có kế hoạch đấu thầu, không tiến hành đấu thầu thì cần phải xem xét trách nhiệm của các cơ sở y tế này.
ThS. Trần Đức Hiệp